Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm B

NIỀM VUI CÓ CHÚA VÀ SỨ ĐIỆP ỦI AN CHO KẺ LƯU ĐÀY
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc 10, 51)

(Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Gr 31,7-9)

Giêrêmia là một ngôn sứ nổi tiếng tiên báo về những tai họa. Dù vậy, cũng có khi ngài có những sấm ngôn đầy khích lệ, ủi an và đầy hân hoan. Bối cảnh xảy ra đang khi vua Giosia khởi sự cuộc cải cách tôn giáo và bắt đầu việc dành lại Samaria, giúp Israel thoát khỏi 100 năm trong tay người Assiri. Những sấm ngôn này được gộp lại trong bốn chương thường được gọi là Sách An ủi (chương 30-33). Đây là những lời mời gọi hân hoan và vui mừng, vì Thiên Chúa không bỏ rơi, nhưng vẫn một mực yêu thương Israel dân Người (x. 31,3.15-20), và Người sắp can thiệp để giúp họ, đưa họ về quê cha đất tổ sau những năm tháng bị lưu đày cơ cực ở Ninivê. Đây là một trong số những lời đẹp nhất của những trang Kinh Thánh:

Reo vui lên mừng Giacóp, hãy hoan hô… Nào loan tin…, Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Israel. Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng có kẻ đui mù, què quặt, tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo. Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn tới dòng nước, qua con đường thẳng băng… Đối với Israel, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Épraim chính là con trưởng” (31,7-9).

Những lời đầy khích lệ và an ủi này nhắc nhớ lại lịch sử của những người lưu đày Israel và của mỗi người chúng ta. Ai đã kinh qua một lần xa Chúa trong cảnh ‘lưu đày’ sẽ kinh nghiệm được tâm tình “nước mắt tuôn rơi”. Hành trình trở về, dầu phải cực nhọc và cam go, nhưng cuối cùng sẽ bắt gặp dòng nước mát trong phun lên từ hoang mạc; Đức Chúa là Cha, là Thân Phụ, sẽ không bỏ rơi con của Người bao giờ, và sẽ chờ đợi gặp lại những đứa con què quặt đui mù thân yêu của Người.

2. Bài đọc II (Dt 5,1-6)

Thư Do Thái được viết cho các tín hữu gốc Do Thái đã tin vào Đức Giêsu, nhưng họ vẫn mang trong mình nỗi nhớ Đền Thờ Giêrusalem với những lễ nghi long trọng; họ bắt đầu có cám dỗ quay trở lại những tập tục xưa cũ này.

Tác giả của bức thư, một người  Kitô hữu rất am hiểu về Kinh Thánh và truyền thống Do Thái, đã làm rõ những khó khăn này, bằng cách giải thích cho những người anh em cùng chung niềm tin vào Đức Kitô rằng chính Người là vị thượng tế đời đời vượt trên mọi vị thượng tế của thời xưa cũ.

Đoạn trích hôm nay mô tải lại đặc tính của các vị thượng tế dâng hy lễ trong Đền Thờ. Họ không thể tự thân mình mà có vinh dự này, nhưng phải được Thiên Chúa chọn gọi như Aharon. Kế tiếp, họ không là thiên thần, nhưng là những con người thật, với đầy đủ những yếu đuối và bất toàn nhân loại để họ cũng có thể cảm thấu được những yếu đuối nơi anh em và liên đới với họ (cc. 1-4). Chính Đức Giêsu Kitô thừa hưởng tất cả hai yếu tố này: Người là vị Thượng Tế được Chúa Cha chọn gọi và ban vinh dự này (cc. 5-6); Người cũng kinh qua những khổ đau và cám dỗ nhân loại, ngõ hầu biết thông cảm cho những lỗi phạm của chúng ta (cc. 7-10).

Bài đọc mang sứ điệp đầy an ủi cho những người Do Thái với nỗi nhớ và hoài niệm xưa. Chính Đức Giêsu Kitô hôm nay là Lời Kinh Thánh và là lương thực trường tồn vượt hơn bất cứ của ăn nào của nghi lễ xưa.

3. Bài Tin Mừng (Mc 10,46-52)

Đoạn trích hôm nay khép lại phần trung tâm của Tin Mừng Marcô, trong đó, Đức Giêsu nêu rõ đâu là mục đích hành trình của Người, và đâu là những đòi hỏi cần thiết cho những ai muốn theo Người.

Đức Giêsu đã trải qua một chặng đường dài trong hành trình: từ Galilê, Người đi dọc xuống miền Giođan và hôm nay Người đến Giêricô. Chỉ còn khoảng hơn hai mươi cây số sẽ đến chặng dừng cuối cùng nơi Thành Thánh Giêrusalem.

Tại Giêricô này, Người đã làm một dấu lạ cuối cùng khi chữa anh mù Bartimê ăn xin bên vệ đường. Cuộc gặp gỡ giữa anh mù với Đức Giêsu bên vệ đường đều được ghi lại trong Tin Mừng nhất lãm, và được xem không chỉ như là một trình thuật kể lại sự kiện, nhưng trong ý định của Marcô, đây còn như là một dụ ngôn về một con người được Chúa soi dẫn, và là hình ảnh của người môn đệ đích thật.

Hình ảnh anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường diễn tả thân phận của những người chưa được ánh sáng Tin Mừng Phục Sinh soi chiếu, và đang vật lộn trong kiếp người sống chết theo số phận mà không lối thoát.

Hôm nay nghe tin Đức Giêsu đi ngang qua đời mình, dù anh vẫn còn đui mù trong thân xác, nhưng ánh sáng tâm linh đã chiếu soi mạnh mẽ trong tâm hồn anh, anh cảm nghiệm được điều này và tận trong tâm khảm anh đã ‘nhìn thấy’ Đức Giêsu là Đấng Messia.

Tuy vậy, tiếng kêu ‘nhìn thấy’ từ bên trong của anh vẫn còn nhiều chướng ngại: chướng ngại của những người chung quanh, và chướng ngại của tấm áo choàng đời mình. Từ hai chướng ngại trước kia làm cản trở anh, thì nay đã trở thành những phương thế để anh gặp Chúa. Chính những người đó, qua Lời của Chúa, đã gọi và dẫn anh đến gặp Người; chính tấm áo choàng che thân năm xưa, nhờ vứt bỏ nó, anh nhẹ nhàng đến được với Chúa.

Để ý rõ ta thấy, trước khi gặp và đối thoại với Chúa, anh mù Bartimê đã là môn đệ thật sự khi Người đi ngang qua: cảm nhận, tin, từ bỏ và đứng dậy theo Người.  Kết quả là mắt anh được nhìn thấy; nhưng cái quan trọng hơn, đó là lòng anh đã nhìn thấy và tin nơi Đức Giêsu. Ai muốn được soi dẫn như anh mù Bartimê, cũng phải thực hiện một chọn lựa giữa tấm áo choàng cũ kỹ và ánh sáng Đức Kitô.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Đối với Israel, Ta là một người Cha. Lời khẳng định của Chúa qua ngôn sứ Giêrêmia như là một khẳng định chắc chắn và dứt khoát về bản tính của Người. Dù Israel có phạm tội, có bất trung, dù có bị lưu đày, Thiên Chúa vẫn mãi là thân phụ, một người Cha yêu thương con người. Tôi cảm nghiệm điều gì nơi Chúa trong những lúc “lưu đày” của đời mình?

2. Thư Do Thái hôm nay nêu bật bản tính của vị Thượng Tế Giêsu: luôn cảm thông và liên đới với những kẻ lầm lạc. Mỗi thánh lễ hôm nay là một hy tế dâng lên Thiên Chúa Cha được gói ghém cùng với những thân phận con người. Tôi cảm nghiệm điều gì mỗi lần tôi cùng với cộng đoàn tham dự hy tế thánh lễ mỗi ngày?

3. “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được“. Đó là lời kêu xin khẩn thiết của anh mù Bartimê năm xưa trong thân phận ‘bên vệ đường’ của mình. Tôi đang trong hoàn cảnh nào trong tương quan với Chúa và tha nhân? Tôi muốn xin điều gì với Chúa hôm nay: “tấm áo choàng” hay “được nhìn thấy”? Tôi đã thấy và cảm nhận được gì qua cơn đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành thế giới? Tôi có sẵn sàng chia sẻ những cảm nhận thiêng liêng của mình cho người khác, như lời mở đầu Sứ điệp Truyền giáo năm nay của Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi: “Một khi đã được trải nghiệm sức mạnh tình thương của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện từ phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không công bố và chia sẻ điều chúng ta đã thấy và đã nghe”?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.