Chúa Nhật VI Thường Niên Năm C

HAI CON ĐƯỜNG – MỘT LỰA CHỌN
“Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa,
vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” 

Gr 17,5-8; 1Cr 15,12.16-20; Lc 6,17.20-26)
(Lc 6,23).

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Gr 17,5-8)

Đoạn trích có giọng văn không theo lối thông thường của Giêrêmia, nhưng đúng hơn là một giáo huấn khôn ngoan được triển khai theo phương pháp song đối.

Tác giả đặt ra cho người đương thời một sự chọn lựa: nẻo đường của ơn phúc hay nẻo đường của sự dữ. Đây là đề tài hai con đường mà ta thường thấy trong Thánh Kinh (x. Tv 1 phần đáp ca).

Ai đặt niềm tin tưởng nơi con người, hậu quả sẽ là sự cằn cỗi hoang mạc. Ngoài Chúa ra, con người không thể tìm thấy sự cao cả, vĩ đại của chính mình.

Còn ai đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, với một đời sống trên mối tương quan thân mật với Người, sẽ như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong… lá xanh tươi, không ngừng trổ sinh hoa trái.

Vì thế, chọn Chúa là đường hạnh phúc, chọn người đời hay chọn chính mình sẽ là cuộc đời bất hạnh.

2. Bài đọc II (1Cr 15,12.16-20)

Bài đọc II nối tiếp bài đọc Chúa Nhật tuần trước.

Não trạng Hy Lạp, tiêu biểu là học thuyết Platon, không thể hiểu được khái niệm người chết sống lại (x. Cv 17,32), dù cho rằng linh hồn bất tử.

Với thánh Phaolô,  sự phục sinh của Đức Kitô là sự kiện trung tâm của niềm tin Kitô hữu: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (c.20).

Không có sự sống lại, niềm tin Kitô giáo sẽ là hão huyền. Không có nó, con người sẽ mãi sống trong cảnh nô lệ của tội lỗi. Một đức tin chỉ giới hạn ở đời này và không có sự sống lại, sẽ là một đức tin vô nghĩa.

Vì thế, sự phục sinh của Đức Kitô và sự sống lại của Người đã biến đổi toàn bộ vận mệnh của con người.

3. Bài Tin Mừng (Lc 6,17.20-26)

Bài giảng Tám Mối Phúc có hai phiên bản: một trên núi của thánh Matthêu (Mt 5,1,-12) và một dưới núi của thánh Luca mà ta nghe hôm nay. Với bối cảnh này, thánh Luca muốn nhấn mạnh sự tương tác gần gũi của sứ điệp với đám đông dân chúng.

Giáo huấn của Đức Giêsu có mối tương quan chặt chẽ với những gì mà những Kitô hữu ở các cộng đoàn tiên khởi thể hiện: một số người an phận trong sự giàu có của mình; số khác bây giờ đang chịu cảnh bách hại và đói khát.

Thuật ngữ ‘bây giờ’ được lặp lại trong sự tương phản với ‘ngày đó’ như muốn thể hiện bối cảnh khó khăn trong thực tại cũng như niềm hy vọng cánh chung. Đây không chỉ là bối cảnh của thời cha ông trong Cựu ước, hay thời các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, mà còn là bối cảnh thực tại của mỗi hoàn cảnh sống con người.

Trong sự tương phản này, ta thấy hoạt động của Thiên Chúa không nhất thiết phải đi theo xu hướng của thời đại hay ý muốn của con người. Trái lại, con đường của Chúa lại có vẻ đi ngược với suy nghĩ nhân loại trong những gì ta cho là hạnh phúc và phúc lành (của cải, giàu sang, danh vọng, trường thọ). Sẽ đến ngày mọi giá trị sẽ bị đảo ngược: “kẻ trước hết sẽ thành sau cùng”.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Bài đọc I cho thấy rõ hai nẻo đường người tín hữu cũng như hệ quả của nó. Nhìn lại mình, đâu là con đường mà tôi đã đi trong thời gian qua? Tôi có ước ao được bước đi trên con đường của Chúa? Đâu là những phương thế và những chọn lựa hàng ngày có thể giúp tôi điều này?

2. Lịch sử cứu độ khởi đi từ Ápraham với lời hứa là đất đai, là dòng dõi, là tuổi thọ miên trường cho những ai bước đi trong đường lối Chúa. Mạc khải về một phần thưởng đời sau vẫn còn mù mờ và chưa rõ ràng. Đức Giêsu Kitô, với sự Phục Sinh của Người, đã thỏa khát vọng ngàn năm con người nơi dương thế: sự sống đời sau. Vậy niềm tin, cách sống đạo của tôi có phản ánh và đáp trả mạc khải này? Đích điểm của đời tôi là những giá trị vật chất trần thế hay giá trị thiêng liêng mai sau?

3. Đường theo Chúa là đường của phúc lành, nhưng nó lại là đường theo tinh thần Tám Mối Phúc. Vậy tôi đọc thấy được gì qua những hy sinh, thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống hàng ngày của tôi và những người anh chị em chung quanh tôi?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.