Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm C
THANH THOÁT THEO THẦY

“Ai đã ra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).

1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62

 

Được gọi để đi theo Chúa là một hồng ân và cũng là vinh dự cho những ai được gọi. Để đáp lại hồng ân được kêu gọi đó, người ta được đòi hỏi phải từ bỏ mọi sự cách triệt để và dứt khoát. Đó là sự từ bỏ của cải vật chất, nghề nghiệp, môi trường thân quen và thậm chí cả gia đình thân thuộc nữa. Sau này, người được gọi sẽ được đòi hỏi triệt để hơn, đó là từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa. Nhờ đó, họ sẽ trở nên thanh thoát để hoàn toàn thuộc về Chúa và thực thi sứ vụ Người trao phó mà thôi. Các Kitô hữu cũng được kêu gọi từ bỏ những ràng buộc của những ham muốn của thế gian, xác thịt và của cải vật chất, không bị nô lệ bởi lề luật hay bởi tội lỗi, để tự do yêu thương mà phục vụ Chúa và tha nhân.

CÁC BÀI ĐỌC

  1. BÀI ĐỌC I (1V 19,16b.19-21)

Ngôn Sứ Êlia vâng lời Thiên Chúa nên đã lên đường đi tìm Êlisa và xức dầu cho ông để Êlisa trở nên vị Ngôn sứ tiếp tục sứ vụ của mình, theo như lệnh truyền của Thiên Chúa. Ông đi ngang qua Êlisa và quăng áo choàng của mình trên Êlisa, như dấu chỉ việc chuyển trao quyền Ngôn Sứ, đồng thời cũng là cách mở ngỏ cho sự sẵn sàng và tự do của Êlisa trong việc đáp lại lời mời gọi của Êlia. Êlisa hiểu được ý nghĩa của hành động này nên đã đi theo Êlia. Vẫn là một người đang ở trong đời thường, Êlisa chỉ xin trở về để từ biệt cha mẹ mình, một hành động rất chính đáng. Sau đó, ông đã can đảm quyết định theo thầy cách dứt khoát, và thể hiện điều đó bằng việc đốt cày và giết bò lấy thịt đãi người nhà, một sự đoạn tuyệt với cuộc sống hiện tại, với nhũng người thân quen, với nghề nghiệp nuôi sống mình để bước vào một cuộc sống mới với một sứ vụ khác.

Được gọi làm Ngôn Sứ có phải là một điều vẻ vang danh dự, hay ngược lại là một ơn gọi sẽ đối mặt với những hiểm nguy? Tùy vào cách nhìn nhận ơn gọi và sứ vụ. Ngôn Sứ không chỉ từ bỏ gia tài và mọi ràng buộc mà còn phải từ bỏ cả phương tiện nuôi sống mình. Đang là một người tự do, có thể bảo đảm cuộc sống mình, người được gọi là Ngôn Sứ phải khiêm hạ, trở nên môn đệ, đi theo thầy của mình. Tại sao? Chúa muốn nhũng ai được kêu gọi cách đặc biệt để đi thi hành sứ vụ của Chúa phải cắt đứt lối sống cũ và dấn thân hoàn toàn cho một khởi đầu mới. Êlisa đã vui mừng đón nhận lời mời gọi với niềm vui và sự háo hức dấn thân. Vì đã chịu phép Rửa tội, mỗi Kitô hữu cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ cộng đồng, nên cũng được mời gọi theo Chúa Kitô với tinh thần như thế trong mức độ nhất định tùy theo bối cảnh sống của mình.

  1. BÀI ĐỌC II (Gl 5,1.13-18)

Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Galát rằng: vì Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta, chúng ta hãy đứng vững, đừng để mình bị ràng buộc bởi ách nô lệ như trước đây. Nay họ trở nên môt con người mới, có đời sống mới trong Đức Kitô, có sự tự do của Con Cái Chúa. Tuy nhiên, tự do của Kitô hữu không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, nhưng là tự do khỏi những ràng buộc bởi những ham muốn của cải thế gian và xác thịt, để cho Thần Khí tác động mà sống theo tinh thần của Chúa. Tự do của Kitô hữu khiến họ không bị nô lệ bởi lề luật hay bởi tội lỗi, cũng không tự do chiều theo ham muốn vật chất. Tự do của Kitô hữu là tự do yêu thương và do đó là sự tự do để phục vụ. Yêu thương thì trái ngược với tính xác thịt, vì yêu thương tìm kiếm và quan tâm đến những nhu cầu của tha nhân, trong khi xác thịt chỉ tìm kiếm chính mình và những mong muốn lợi lộc cá nhân. Sự tự do đích thực được tìm thấy trong tình yêu, vì yêu thương hay bác ái là phương tiện để thể hiện sự tự do của con cái Chúa.

  1. BÀI TIN MỪNG (Lc 9,51-62)

Bài Tin Mừng nói lên những điều kiện của cuộc sống của người theo Đức Kitô, cũng như những điều kiện để theo Người, theo mẫu kêu gọi một ngôn sứ trong bài đọc I. Trước hết, những người muốn theo Đức Kitô, muốn tham gia vào sứ mạng của Người, muốn là Kitô hữu, phải thấy những thua thiệt, mất mát họ có thể gặp phải. Một người hăm hở nhiệt tình muốn theo Người bất cứ nơi đâu, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu về sự vô định của Người đã làm anh ta nhụt chí. Người sống như một người vô gia cư, không gia đình, không nhà cửa, thậm chí còn thua cả chim trời hay sói rừng. Tiếp đến, điều kiện theo Đức Giêsu đòi hỏi một sự từ bỏ, ngay cả những mối quan hệ thân thương. Theo Người đòi hỏi sự hy sinh trong chọn lựa mỗi ngày. Người không đòi hỏi quá quắt để làm biến chất hay thay đổi bản tính của các môn đệ, nhưng là để giúp họ biết chọn lựa điều cao quý hơn, điều có giá trị vĩnh cửu. Theo Người là tận hiến hoàn toàn cho sứ vụ, là biến những quan hệ đời thường thành những điều mang lại hạnh phúc đích thực, và tồn tại mãi mãi.

Những điều kiện theo Đức Giêsu là dám hi sinh sự an toàn để dấn bước theo Người với niềm tin yêu phó thác. Từ bỏ để nhẹ nhàng không vướng mắc, để có Chúa là gia nghiệp đời mình. Dám hi sinh những nghĩa vụ mà dưới con mắt thế gian là điều chính đáng cũng là một sự phó thác và hi sinh, nhưng có những nghĩa vụ đòi môn đệ phải chọn lựa vì giá trị và ý nghĩa của nó. Và cuối cùng, hi sinh những tình cảm giới hạn để có thể đi vào trong một tương quan vô hạn, để có thể cởi bỏ lòng mình ra với mọi người trong sứ vụ.

GỢI Ý SUY NIÊM:

  1. “Ông Êlisa bỏ ông Êlia mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia và phục vụ ông.” Ông Êlisa đã dấn thân trọn vẹn đáp lại lời mời gọi làm ngôn sứ Chúa qua việc từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ và cả những tương quan trần thế để theo thầy. Nhờ đó, ông được giải thoát khỏi mọi ràng buộc, khỏi những bận tâm ngăn cản ông thi hành sứ vụ Chúa giao phó. Đâu là những cản trở vật chất cũng như  tinh thần, hay tình cảm nào đã cản trở bạn trong việc theo Chúa?
  2. “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa”. Con người ngày nay đề cao tự do cá nhân. Thứ tự do tôi muốn có là thứ tự do nào? Nó có giúp tôi thanh thoát để triển nở đời sống, hay khiến tôi ích kỷ và cô đơn, làm cho tôi sống không cần ai và chẳng nghĩ gì đến ai?
  3. “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” Được kêu gọi làm Kitô hữu, làm môn đệ Chúa là một hồng ân. Đáp lại hồng ân đó, cần có một sự dấn thân trọn vẹn qua việc từ bỏ dứt khoát. Từ bỏ của cái để chọn Chúa là gia nghiệp đời mình. Từ  bỏ mọi tương quan để gắn bỏ với Chúa hơn. Từ bỏ mọi ràng buộc để thanh thản đi theo Chúa trên con đường dài. Từ bỏ cả ý riêng để sống theo ý Chúa. Trong cuộc sống, cái gì đang ngăn tôi xa cách Chúa? Cái gì tôi đang bám víu khiến tôi buông bỏ Chúa?
Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.