AI ĐƯỢC VÀO DỰ TIỆC NƯỚC THIÊN CHÚA?
“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13,29).
Is 66,18-21; Hr 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Đoạn sách ngôn sứ Isaia đệ tam diễn tả một thế giới đại đồng, trong đó mọi người thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ sẽ được tập hợp lại. Họ sẽ nhận biết vinh quang Chúa và chúc tụng danh thánh Ngài.
Trước hết, ngôn sứ Isaia loan báo việc Thiên Chúa “sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18). Lời sấm của ngôn sứ mở ra viễn ảnh về một thế giới đại đồng, trong đó mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi và qui tụ về để được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài. Không hề có bất kỳ sự loại trừ hay giới hạn nào, cũng như không có bất cứ điều kiện nào, vì mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được tập họp lại. Thiên Chúa không loại trừ bất kỳ ai muốn đến chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài.
Sau nữa, Thiên Chúa sẽ “sai những kẻ sống sót của họ đến với các dân tộc” (Is 66,19a). “Những kẻ sống sót của họ” là những người trở về với Đức Chúa của Israel; chính họ sẽ được Thiên Chúa sai “đến với các dân tộc” như là những nhà “truyền giáo”. Họ không những được mời gọi qui tụ về để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, mà còn được sai đi để rao truyền và kêu mời thêm nhiều người từ “các dân tộc”, là những người “chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta”. Chính những nhà “truyền giáo” này “sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc” (Is 66,19b).
Cuối cùng, trong số những người trở về với Đức Chúa của Israel, Thiên Chúa “sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lêvi” (Is 66,21). Trước đây, dân Israel được chọn làm “dân thánh”, là “vương quốc tư tế” (Xh 19,6) để chuyên lo việc phụng thờ Thiên Chúa. Và trong dân thánh của Thiên Chúa, Ngài đã dành riêng các tư tế và thầy Lêvi thuộc chi tộc Lêvi để thờ phượng và tiến dâng hy tế lên Thiên Chúa. Sau này, việc thờ phượng và tế lễ Thiên Chúa được mở rộng ra cho cả những người từ “các dân tộc”, tức là những người sẽ tin vào Đức Chúa của Israel.
Như thế, lời sấm của ngôn sứ Isaia đệ tạm mở ra một thế giới đại đồng trong đó tất cả mọi người đều được mời gọi đến để nhận biết, tôn thờ và tế lễ Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2
Đoạn trích từ thư gởi tín hữu Hípri cho thấy cách thức mà Thiên Chúa giáo dục chúng ta như những người con của Ngài.
Trước hết, tác giả thư Hípri lấy tư tưởng của sách Châm Ngôn mà trình bày lý do và cách thức Thiên Chúa sửa dạy: “Thiên Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Hr 12,6; x. Cn 3,11-12). Thật vậy, lý do Thiên Chúa sửa dạy là vì tình thương và cách thức Ngài sửa dạy là “cho roi cho vọt”. Chỉ khi việc sửa dạy phát xuất từ “tình thương”, thì việc “cho roi cho vọt” mới có thể đem lại hiệu quả, vì bất cứ hình thức “roi vọt” nào không phát xuất từ “tình thương” sẽ chỉ là bạo lực và độc ác mà thôi.
Sau nữa, tác giả thư Hípri mời gọi các tín hữu hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy, vì Ngài sửa dạy như người cha đối với con cái (12,7). Thiên Chúa là Cha tốt lành nên Ngài mới sửa dạy để con cái Ngài nên người. Phận làm con, hãy kiên trì chấp nhận những lời sửa dạy chẳng có gì là “vui thú” mà chỉ là “buồn phiền” để có thể gặt hái được hoa trái là “bình an và công chính” (12,11).
Như thế, nếu Thiên Chúa có “cho roi cho vọt” cũng chỉ vì Ngài yêu thương con người như người cha lo cho con cái và muốn con cái được bình an và công chính.
3. Bài Tin Mừng
Sấm ngôn của ngôn sứ Isaia mời gọi tất cả mọi dân tộc và ngôn ngữ đến chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa và phụng thờ Ngài. Dù bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người, nhưng không phải là không có những điều kiện. Bài Tin Mừng hôm nay nêu lên một số điều kiện như thế.
Trước hết, bữa tiệc Nước Thiên Chúa đòi hỏi người ta phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24a). Nước Thiên Chúa là một cánh “cửa hẹp” mà người ta phải “chiến đấu” mới có thể vào. Vì hẹp và phải chiến đấu mới vào được nên dù nhiều người tìm cách vào nhưng chỉ một số ít được “cứu độ” mà thôi (13,24b). “Chiến đấu” để qua “cửa hẹp” đòi buộc người ta phải sống tinh thần sám hối (13,1-15) trong thời gian giới hạn mà Thiên Chúa đang kiên nhẫn đợi chờ (13,6-9). Vậy nên đừng chờ cho đến lúc “chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại” thì mới đứng ngoài mà gọi thì đã quá trễ (13,25).
Sau nữa, Nước Thiên Chúa không dựa trên các mối tương quan thân quen hay máu mủ. Nước Trời mở ra cho tất cả mọi người từ đông tây nam bắc (13,29), nên việc “đã từng ăn uống trước mặt ngài” (13,26) hay có liên hệ huyết thống với dòng dõi Ápraham (13,28; x. 3,8) không đủ để được đón nhận vào. Điều kiện tiên quyết là phải tin nhận Đức Giêsu và tránh làm điều bất chính để được vị thẩm phán nhận biết (13,25-27).
Cuối cùng, Nước Thiên Chúa mở ra cho tất cả mọi người cách công bằng và đòi buộc tất cả mọi người, không phân biệt ai, đều phải “chiến đấu” mà vào, nên không có chuyện ưu tiên cho người đi trước thì đến trước hoặc đứng trước thì được xếp hàng đầu. Lời của Chúa Giêsu “có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13,20) cảnh báo về những thay đổi lớn lao trong Nước Trời, nơi có những người nghĩ mình đứng đầu nhưng sẽ phải xuống hàng chót và ngược lại. Vị thẩm phán công minh sẽ ân thưởng xứng đáng với công trạng của từng người (x. Lc 6,36-38).
II. GỢI Ý SUY NIÊM:
1/ Ngôn sứ Isaia đệ tam loan báo về một thế giới đại đồng trong đó tất cả mọi người từ mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được mời gọi tin vào Thiên Chúa, trở nên những nhà “truyền giáo” cho các dân tộc chưa biết Chúa và được tham gia vào việc tế lễ để thờ phượng Ngài. Lời ngôn sứ Isaia đã nên ứng nghiệm nơi Hội Thánh, là tập hợp những người tin vào Thiên Chúa, được mời gọi chia sẻ sứ mạng truyền giáo cho những người chưa biết Chúa và tham gia vào chức vụ tư tế để thờ phượng Ngài. Là một thành phần của Hội Thánh, tôi có ý thức bổn phận và trách nhiệm của mình?
2/ Đoạn trích từ thư gởi tín hữu Hípri cho thấy lý do và cách thức mà Thiên Chúa giáo dục chúng ta. Nếu Thiên Chúa có “cho roi cho vọt” mà sửa dạy chúng ta cũng chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta như người cha thương yêu và lo cho con cái vì muốn con cái gặt hái được hoa trái là bình an và công chính. Tôi có tin Thiên Chúa yêu thương tôi như người cha yêu thương con cái? Tôi có sẵn sàng để cho Thiên Chúa sửa dạy, mà gặt hái được hóa trái là bình an và công chính?
3/ Nước Thiên Chúa là một bữa tiệc mở ra cho tất cả mọi người, nhưng để được vào dự tiệc, người ta phải “chiến đấu” mà qua cửa hẹp, chứ không thể dựa vào mối tương quan thân thiết hay máu mủ, cũng không thể trông chờ được ưu tiên vì bất cứ lý do nào. Tôi có đang “chiến đấu” để đi con đường hẹp mà vào Nước Trời? Tôi có đang muốn được ưu tiên vì lý do này hay lý do khác?