SỰ SỐNG LẠI CỦA KẺ CHẾT
‘Thiên Chúa không phải của kẻ chết, là mà của kẻ sống’ (x. Lc 20,38)
(2 Mcb 7,2,1-2.9-14; 2 Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-40)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (2 Mcb 7,1-2.9-14)
Câu truyện trong sách Macabê hôm nay thuật lại niềm tin kiên vững của bà mẹ và bảy người con trước sự bắt bớ hành hạ của vua Antiôkhô. Họ sẵn sàng chịu chết hơn là phạm tội vì họ tin rằng Thiên Chúa sẽ dủ thương tôi tớ Người, Người sẽ cho họ sống lại để được sống đời đời. Đây là một tư tưởng khá mới của sách Macabê so với các sách Cựu Ước trước đó. Cách chung, người Do thái nghĩ là chết là đi vào chốn tối tăm, bị quên lãng, không còn ai nhớ tới. Ở đó không có ánh sáng của Thiên Chúa, không còn kêu cầu Danh Chúa, như chúng ta đọc trong các Thánh vịnh.
Bài đọc hôm nay là những lời tuyên xưng rõ ràng về sự sống lại của thân xác con người. Các anh hùng trong sách Macabê còn tuyên bố rõ rằng: các chi thể bị hành hạ cắt xẻo bởi lý hình thì Thiên Chúa cũng sẽ ban lại cho họ. Niềm tin của họ ngược lại với tinh thần Hy lạp vốn coi thân xác là tù ngục níu kéo con người trong những đam mê nặng nề, và chỉ có tiêu diệt thân xác thì con người mới siêu thoát, mới vươn đến những giá trị tinh thần cao đẹp. Chính sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu đã khẳng định ý nghĩa của niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết.
2. Bài đọc 2 (2 Tx 2,16-3,5)
Thánh Phaolô, qua lời cầu nguyện, mong ước các tín hữu ở Thessalonika, những người đang bị bách hại và cảm thấy lung lay, không biết mình có thể sống như Thiên Chúa muốn không, hãy kiên vững trong thử thách và giữ vững truyền thống đã được khuyên dạy. Ngài khẳng định với họ về sự trợ giúp Thiên Chúa ban cho họ để giúp họ thắng vượt những khó khăn ở giữa dân ngoại.
Thánh nhân cũng xin họ cầu nguyện cho ngài, là người đang làm việc rao giảng lời Chúa. Ngài cũng gặp khó khăn do sự thiếu lòng tin của những đối phương, nhưng quan tâm của ngài là để Tin mừng được rao giảng rộng rãi chứ không vì sự an nguy của mình. Trong mọi lúc, thánh Phaolô cho thấy rõ niềm tin tưởng cậy trông vào lòng trung thành của Thiên Chúa và qua lời cầu nguyện của mình, ngài khuyên họ hướng lòng về tình yêu trung thành của Thiên Chúa và Đức Kitô, nguồn nâng đỡ vô tận của họ. Chính niềm tin tưởng vào sự trung thành của Thiên Chúa, vào sự hoàn thành các lời hứa của Người là sức mạnh giúp các tín hữu kiên vững trong mọi hoành cảnh.
3. Bài Tin Mừng (Lc 20,27-40)
Nhóm Sađốc là một trong các đảng phái lãnh đạo trong Do thái giáo; phần lớn của nhóm này thuộc tầng lớp tư tế và quý tộc giàu có; họ bảo thủ về giáo lý và chỉ nhận bộ Ngũ Thư – năm sách được coi là của Môsê – là Sách Thánh. Do đó những gì không được nói đến trong bộ Ngũ Thư thì cũng không được họ công nhận. Họ không tìm thấy giaó lý về sự sống lại trong năm sách của bộ Ngũ Thư, do đó họ không tin vào sự sống lại của kẻ chết. Trái ngược với nhóm Sađốc, nhóm Pharisêu công nhận không chỉ bộ Ngũ Thư, các sách Ngôn sứ và các trước tác, mà còn công nhận những giáo điều được truyền thống ghi nhận từ Môsê, trong đó có giáo điều căn bản về sự sống lại của kẻ chết. Do đó vấn đề về sự sống lại của kẻ chết luôn là đề tài tranh luận của hai nhóm này.
Trong bài Tin Mừng hôm nay nhóm Sađốc lại tranh luận về chủ đề kẻ chết sống lại, nhưng đối tượng của cuộc tranh luận là Chúa Giêsu. Họ chất vấn Đức Giêsu về vấn đề này bằng cách dùng luật hôn nhân để chứng minh là việc kẻ chết sống lại là một điều buồn cười. Nếu như theo luật, cả bảy anh em đều cưới một phụ nữ, thì khi sống lại, người phụ nữ này sẽ là vợ của ai? Đây quả là một câu hỏi khó và đầy cạm bẫy, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời cách rõ ràng cho họ dựa trên lý luận và trên Kinh Thánh.
Trước hết, điều kiện sống ở thế giới này không phải là bằng chứng rằng đời sau sống lại người ta cũng sống trong cùng điều kiện như thế. Nghĩa là đời này người ta cưới vợ lấy chồng, vì người ta sẽ chết nên muốn lưu danh người chết bằng cách làm cho họ có người nối dõi tông đường, kéo dài sự hiện diện của họ trên trần gian. Nhưng “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng“, nghĩa là họ đã trở nên con cái Thiên Chúa, họ như những thiên thần, họ sẽ không còn chết nữa, họ được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, sự sống phục sinh khác xa với sự sống ở trần gian này. Những điều kiện hay vấn nạn của thế giới này không còn nghĩa lý gì đối với cuộc sống trên Nước Trời. Đây là sự sống mới nhờ sát nhập với Đức Kitô phục sinh qua việc cùng chịu đau khổ với Người.
Chúa Giêsu còn giải thích thêm cho họ bằng cách dùng lời Kinh Thánh trong sách Xuất hành (3,2) khi Thiên Chúa xưng mình ra với ông Môsê rằng Người là Thiên Chúa của các tổ phụ. Các tổ phụ đã chết từ lâu, nhưng Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của họ khi Người vẫn yêu thương, không bỏ rơi họ trong thế giới sự chết. Thiên Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ vì Người là Đấng cứu độ, che chở và giải thoát họ. Các tổ phụ vẫn “sống” vì Thiên Chúa vẫn quan tâm đến họ. Thế giới người chết không phải là nơi vĩnh viễn đóng kín con người ở đó, nhưng là nơi họ chờ đợi Thiên Chúa cứu thoát họ.
II. GỢI Ý SUY NIỆM:
1. Có lẽ chúng ta không gặp những khó ngăn nguy hiểm đến tính mạng vì bảo vệ niềm tin như các anh hùng trong sách Macabê, nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta có dám tuyên xưng mình là người Công giáo khi phải chọn lựa một điều hơn thua? Ví dụ mình có sống thành thật, không gian dối nơi trường học, công sở hay phố chợ?
2. Thánh Phaolô nói đến việc rao giảng Lời Chúa và cầu nguyện cho việc rao giảng Lời Chúa được lan rộng để đem Tin Mừng đến cho nhiều người. Chúng ta có thể làm gì để cộng tác vào việc rao giảng này?
3. Chúng ta có xác tín vào sự sống lại của chúng ta trong ngày Chúa quang lâm? Chúng ta làm gì để chuẩn bị cho mình vào số những người được Thiên Chúa tuyển chọn vào hưởng hạnh phúc dành cho con cái Người?